Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Viec xu li tham nuoc tai dap Thuy dien Song Tranh 2 Moi viec phai hoan tat truoc mua mua bao

Việc thấm nước tại đập của công trình thủy điện Sông Tranh 2 đang là mối quan tâm của báo chí và dư luận xã hội.

Mặc dù vậy, trong cuộc họp báo chiều ngày 28-3-2012, các cơ quan chức năng đã khẳng định rằng, Thủy điện Sông Tranh 2 tới thời điểm này vẫn an toàn và ổn định. Phóng viên Báo Người cao tuổi phỏng vấn ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ xây dựng)…

PV: - Thưa ông, đầu tháng 2-2012, khi xuất hiện nước thấm trong hành lang thu nước và hạ lưu đập, Ban Quản lí dự án thủy điện 3 cho xử lí thấm nhưng không hiệu quả nên nước đã thấm ra phía ngoài hạ lưu. Ông có thể cho biết, vấn đề thấm nước của đập công trình thủy điện Sông Tranh 2 là do đâu?

Ông Lê Quang Hùng: - Thủy điện Sông Tranh 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư xây dựng trên Sông Tranh thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hồ chứa có dung tích 729,2 triệu m3, công suất lắp máy 190 MW. Công trình có đập dâng được thiết kế kết cấu bê-tông trọng lực công nghệ đầm lăn và đập tràn xả lũ kết cấu bê-tông cốt thép có 6 cửa xả. Phía ngoài mái thượng lưu và hạ lưu của đập được phủ lớp bê-tông biến thái dày 0,6m. Chiều cao đập 96m (tương ứng cao trình đỉnh đập 180m), chiều dài theo đỉnh 640m, chiều rộng đỉnh đập 8m và chân đập rộng 75m. Theo thiết kế, đập có 30 khe nhiệt, phân bố đều dọc theo chiều dài đập với khoảng cách 20 mét/ khe và xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu. Trong đập có 3 hành lang thu nước thấm dọc theo chiều dài đập tại các cao trình 95m (hành lang số 1), 124m (hành lang số 2) và 152m (hành lang số 3). Để thu nước thấm trong thân đập, theo thiết kế có 372 lỗ khoan thoát nước thân đập được phân bố dọc theo chiều dài đập và cách đều nhau 3 mét/lỗ khoan. Các lỗ thoát nước được khoan xuyên suốt từ đỉnh đập nối với các hành lang thu nước. Trong hành lang thu nước bố trí các ống thu bằng PVC để thu gom nước từ các lỗ khoan thoát nước thân đập đưa vào rãnh thu phía thượng lưu. Từ đó, nước được thu gom về hố bơm dưới hành lang số 1 và bơm xả ra ngoài.

Ông Lê Quang Hùng.
PV: - Khi kiểm tra thực tế tại hiện trường đã phát hiện rò rỉ nước ở những đâu, thưa ông?

Ông Lê Quang Hùng: - Các đoàn công tác của EVN, Hội đồng Nghiệm thu, Bộ Công Thương đã kiểm tra thực tế tại hiện trường từ ngày 18 đến 21-3-2012 cho thấy, phía hạ lưu đập dâng xuất hiện rò rỉ nước tại các khe nhiệt K18 ở cao trình 138m, K21 ở cao trình 132m, K24 ở cao trình 140m và K28 ở cao trình 168m, nước chảy thành dòng xuống ngoài thân đập phía hạ lưu; tại hai biên đập tràn K11 và K16 ở cao trình 138m đến 168m có hai dòng nước thấm từ các ống nước giảm áp đập tràn thoát ra hạ lưu. Đồng thời, cũng phát hiện rò rỉ tại hành lang thu nước số 2, một số ống thu không có nước. Rãnh thu nước trong hành lang phía thượng lưu thoát nước bình thường nên không ứ đọng, rãnh phía hạ lưu ứ đầy nước. Theo thiết kế các ống thu nước đều được đưa về rãnh phía thượng lưu, còn rãnh phía hạ lưu không bố trí các ống thu nước. Lưu lượng nước thấm qua đập quan trắc được khoảng 30 lít/1 giây.

PV: - Như vậy có nghĩa là đã tìm ra nguyên nhân nước thấm qua khe nhiệt ra phía hạ lưu?

Ông Lê Quang Hùng:

- Đúng thế! Qua kiểm tra khảo sát, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân của sự việc trên là do kết cấu chống thấm tại khe nhiệt phía thượng lưu đập (khóa Omega) và một số vị trí khác kém.

Hiện tại, EVN đang chỉ đạo Ban Quản lí dự án Thủy điện 3 xử lí để loại trừ các nguyên nhân trên như thông tắc các lỗ khoan thoát nước thân đập, thu gom nước thấm trong hành lang thu nước đưa về hố xả theo đúng thiết kế… Bước đầu cho thấy việc xử lí đã có hiệu quả tích cực. Đến hết ngày 27-3-2012, lượng nước thấm qua khe nhiệt về phía hạ du đã giảm cơ bản…

PV: - Thưa ông, với các đập thủy điện, việc để nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu là không được. Theo ông, cần làm gì để xử lí triệt để hiện tượng này tại Sông Tranh 2?

Ông Lê Quang Hùng: - Để xử lí triệt để cần có thời gian và tiến hành từng bước, bảo đảm việc xử lí thấm có hiệu quả, đúng nguyên nhân gây thấm. Tuy nhiên, không được phép kéo dài, phải tập trung xử lí trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm an toàn trước mùa lũ 2012. Công việc này cần hoàn thành trước ngày 31-7-2012 (trước mùa mưa bão). Đồng thời, tổ chức đánh giá ổn định an toàn đập sau khi kết thúc xử lí thấm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan… để Sông Tranh 2 được vận hành theo đúng thiết kế.

Phóng viên: - Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Linh (Thực hiện)


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét